Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn điều chỉnh học phí phù hợp

Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp. 

Về dự kiến tăng học phí (HP) của các trường ĐH và các địa phương đang gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, mới đây Thủ tướng yêu cầu “cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên”.

Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn điều chỉnh học phí phù hợp

Phụ huynh, thí sinh làm thủ tục nhập học và đóng học phí tại một trường đại học ở TP.HCM. ĐÀO NGỌC THẠCH

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn giải thích về lộ trình tăng HP căn cứ vào Nghị định 81/2021 có hiệu lực từ ngày 15.10.2021. Tuy nhiên, vào thời điểm chuẩn bị ban hành nghị định này, dịch bệnh Covid-19 tương đối phức tạp. Bộ GD-ĐT đã đề xuất và được giữ nguyên HP năm học 2021 - 2022 như năm 2020 - 2021.

Về khung HP đối với các năm học tiếp theo, theo ông Sơn: Đối với giáo dục phổ thông, từ năm 2022 khung HP đã nêu cụ thể trong Nghị định 81. Từ các năm sau trở đi, HĐND các địa phương sẽ căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế - xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương và khả năng đóng góp thực tế của người dân để quyết định khung HP, hoặc áp dụng mức học tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông. Mức này quy định không quá 7,5%/năm. Theo lộ trình HP dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học. Đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí. Nghị định 81 quy định khung HP, mức trần, sàn. Trên cơ sở đó, các địa phương quy định mức HP theo khung HP.

Thứ trưởng Sơn nhìn nhận, mặc dù sau dịch bệnh, mọi hoạt động trở lại bình thường, nhưng việc phục hồi kinh tế - xã hội cần nhiều thời gian, tại các địa phương, còn nhiều gia đình khó khăn. Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức HP cũng như lộ trình tăng HP phù hợp tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của phụ huynh. Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu HP của các cơ sở giáo dục để không xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.

Ông Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng HP tới các đối tượng khác nhau; đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, các gia đình khó khăn. Việc này cần đánh giá kỹ tác động đối với các bậc học khác nhau, để có đề xuất phù hợp. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết. "Bộ sẽ tiếp tục có những hướng dẫn để các địa phương, cơ sở đại học căn cứ theo tình hình cụ thể sẽ có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn khách quan và khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là nhu cầu tổ chức dạy và học trong tình hình mới", ông Sơn cho hay.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Ngày 28.3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng ký ban hành văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cần đọc kỹ hướng dẫn để ghi phiếu đăng ký dự thi chính xác. Thí sinh chịu trách nhiệm về thông tin đã khai.
Khi vào phòng thi, thí sinh phải ghi rõ họ tên và số báo danh của mình vào trang bìa của Atlat địa lý Việt Nam và nộp lại cho cán bộ coi thi để kiểm soát.
Ngày 22.3, Văn phòng UBND TP HCM đã có văn bản thông báo về kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại cuộc họp nghe Sở GD-ĐT báo cáo về công tác tuyển sinh năm học 2024-2025.
Bộ GD-ĐT vừa công bố thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào các ngày 26, 27, 28, 29.6.
Ngày 20/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 5/2/2024 ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề