Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/5/2025.
Tất cả những đổi mới trong Thông tư này, theo Bộ GD – ĐT, đều hướng đến việc đảm bảo công bằng hơn và tạo cơ hội tiếp cận các phương thức xét tuyển bình đẳng hơn cho các thí sinh.
Bỏ xét tuyển sớm
Theo đó, Bộ GD-ĐT bỏ hẳn quy định về xét tuyển sớm. Như vậy năm nay, các trường sẽ không còn tổ chức xét tuyển sớm trước khi kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) như các năm trước nhưng có thể xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT để chọn những thí sinh có năng lực vượt trội, tài năng. Còn lại, các thí sinh sẽ tham gia đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ.
Xét học bạ phải có kết quả học kỳ 2
Không như những năm trước, các trường ĐH – CĐ dùng phương thức xét kết quả học tập THPT (tức học bạ) để tuyển sinh chỉ cần sử dụng từ 2 đến 5 học kỳ của các năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp12, năm nay theo quy định mới, các trường ĐH, CĐ bắt buộc phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12, đồng thời quy định trọng số tối thiểu 25% của điểm xét tuyển từ kết quả này. Do đó, đòi hỏi thí sinh phải cố gắng hoàn thành chương trình lớp 12 một cách tốt nhất, khắc phục tình trạng “lơ là” học tập khi đã biết trúng tuyển sớm như các năm trước. Đồng thời, các em phải nỗ lực cho kỳ thi tốt nghiệp đạt kết quả cao nhất chứ không chỉ thi đủ điểm đậu tốt nghiệp vì tâm lý đã trúng tuyển đại học sớm.
Yêu cầu quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức
Một trong những điểm mới đáng chú ý của tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2025 đó là các trường đại học buộc phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển về một thang điểm chung. Điều này nhằm tránh chênh lệch quá lớn giữa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là tình trạng điểm học bạ thấp hơn đáng kể so với điểm thi THPT. Quy tắc này phải được công bố cùng thời điểm với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, giúp thí sinh có đủ thông tin để lựa chọn nguyện vọng.
Một điểm mới quan trọng nữa là thí sinh không cần chọn mã phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT sẽ tự động xét tuyển theo phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh, giúp giảm tải và tăng cơ hội trúng tuyển.
Theo Bộ GD – ĐT, những năm qua, hầu hết các trường phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh. Song cũng từ đây xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển, đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều. Từ đó, gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Chứng chỉ ngoại ngữ được quy đổi thành điểm để xét tuyển
Các trường được quyền quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ theo danh mục của quy chế thi tốt nghiệp THPT thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển, nhưng trọng số điểm xét không được vượt quá 50%. Quy định này đảm bảo thí sinh có thể tận dụng lợi thế ngoại ngữ, nhưng không gây mất cân bằng so với các thí sinh khác. Do đó, thí sinh không nhất thiết tham dự môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nếu có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.
Hiện nhiều trường đại học đã công bố cách quy đổi chứng chỉ IELTS thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển theo một số phương thức như: xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp…
Không giới hạn tổ hợp xét tuyển
Theo quy định mới, việc yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển được bãi bỏ, tức không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển tối đa cho một ngành hay một chương trình cụ thể. Đặc biệt, quy định yêu cầu số môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm trọng số 50% chỉ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026, tức chưa phải năm nay. Theo Bộ GD – ĐT, số lượng buổi thi và số lượng bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ giảm so với trước đây, nhưng số môn học các em được lựa chọn để thi (2 thi môn tự chọn) lại tăng hơn nhiều. Nếu giới hạn 4 tổ hợp xét tuyển như trước đây sẽ hạn chế cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh so với việc chỉ học nhất định một tổ hợp môn, do đó việc giới hạn số lượng tổ hợp cho một ngành không cần thiết.
Cộng điểm ưu tiên không quá 10%
Thêm một điểm mới của quy định trong tuyển sinh năm nay là điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh được quy định không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng). Ví dụ với thang điểm 30, điểm cộng tối đa là 3 điểm. Các trường vẫn có thể áp dụng điểm cộng để xem xét đặc thù của chương trình đào tạo, nhưng không được vượt quá giới hạn này.
Trước đây, điểm khuyến khích của các trường không bị giới hạn.
Thanh Xuân