Thời đại 4.0, nhiều công việc mới được ra đời cho thấy tấm bằng đại học (ĐH) không thể là “chìa khóa vạn năng” để thành công.
Nhà tuyển dụng không còn đặt tiêu chí bằng ĐH và điểm số lên hàng đầu. Ảnh minh họa INT.
Thực tế, các doanh nghiệp đang có xu hướng tuyển dụng coi trọng năng lực hơn bằng cấp. Nhờ thế, một số vị trí nghề nghiệp đã mở ra cơ hội với những người không có bằng ĐH.
Xu hướng tuyển dụng mới
Một nghiên cứu của tạp chí Harvard Business Review (thuộc ĐH Harvard, Mỹ) phân tích kết quả từ 51 triệu việc làm cho thấy, ngày càng nhiều công ty, bao gồm công ty công nghệ thông tin (IT) đã bỏ yêu cầu về bằng cử nhân với một số vị trí công việc. Thay vào đó, họ tập trung tuyển dụng dựa trên kỹ năng để mở rộng nguồn nhân tài.
Google cũng đã thay đổi về chính sách tuyển chọn nhân sự, trong đó chú trọng vào các kỹ năng cần thiết trong công việc hơn là trình độ học vấn. Bà Kyle Ewing, Giám đốc nhân sự của Google cho rằng không có mối tương quan nào giữa nhân viên tốt nhất của Google với trường ĐH mà họ theo học, hay điểm trung bình của họ. Hiện nay, họ quan tâm nhiều hơn đến khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề của nhân viên trong quá trình làm việc cũng như phẩm chất cá nhân hơn là bằng cấp.
Theo khảo sát mới nhất do Hiệp hội các trường ĐH và nhà tuyển dụng Mỹ (NACE) thực hiện, số nhà tuyển dụng sàng lọc ứng viên bằng điểm GPA, ACT (điểm trung bình chung và điểm kiểm tra) đã giảm từ 73% giai đoạn 2018 - 2019 xuống còn 37% ở giai đoạn 2022 - 2023. Điều này cho thấy, các nhà tuyển dụng không còn quá coi trọng điểm số trong tuyển dụng.
Không nằm ngoài xu thế này, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp không còn đặt tiêu chí điểm số và tấm bằng ĐH của sinh viên lên hàng đầu nữa. Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, hiện tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành khoảng 60%. Điều này cho thấy, quan điểm một sinh viên phải có một kết quả học tập tốt thì mới làm việc tốt trong lĩnh vực đó cũng không còn hoàn toàn đúng trong thời điểm hiện tại.
Nhờ thế, một số vị trí nghề nghiệp trước đây chỉ dành cho sinh viên tốt nghiệp ĐH nay đã mở ra cơ hội với những người không có bằng ĐH.
Ảnh minh họa INT.
Khi nào tấm bằng ĐH sẽ mất giá trị?
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhìn nhận, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo, những kiến thức và kỹ năng một sinh viên ĐH thu nhận được trong quá trình học tập rất nhanh bị lỗi thời.
Đó là chưa kể nếu các chương trình đào tạo ĐH không đổi mới liên tục để bắt kịp thực tế thị trường công việc mà chỉ là những lý thuyết hàn lâm thì sinh viên, dẫu có tốt nghiệp điểm cao, bằng giỏi cũng không thể sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.
Hơn nữa điểm số và bằng ĐH không phải là những chỉ số có thể phản ánh đầy đủ năng lực của một ứng viên. Nếu chỉ tuyển dụng dựa trên bằng cấp và điểm số có thể sẽ bỏ lỡ những ứng viên có nhiều kỹ năng mềm và có khả năng hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Trong bối cảnh bằng cấp dần có xu hướng bị xem nhẹ, các câu chuyện xoay quanh câu chuyện học ĐH cũng trở thành vấn đề được đem ra “mổ xẻ”. PGS.TS Trần Thành Nam đánh giá: “Không phải bằng ĐH mất dần đi giá trị trong xã hội hiện đại mà cách chúng ta quan niệm về bằng ĐH đã thay đổi. Nếu như trước đây, tấm bằng ĐH được coi là một yếu tố quan trọng để xác định sự thành công, xác định địa vị xã hội và là yếu tố duy nhất để thay đổi thân phận một con người thì ngày nay, khi nhận thức về vai trò của hướng nghiệp trong cộng đồng đã tốt lên, người ta nhận thấy học ĐH không còn là con đường duy nhất để thành công nữa”.
Theo vị chuyên gia này, thực tế, rất nhiều người đi học nghề, đi xuất khẩu lao động về cũng có sự nghiệp, lại sớm giúp đỡ được gia đình, xây dựng nhà cửa và đóng góp cho quê hương. Như vậy, có nhiều con đường để thành công và thay đổi thân phận của một con người.
Trong khi đó, một số thanh niên có thể do định hướng không tốt, vào học ĐH kiểu học đại, nên tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp, phải cất bằng ĐH, đi làm shipper dẫn đến những người khác cũng nghi ngờ về giá trị của bằng ĐH.
Ảnh minh họa INT.
Đâu là giá trị thực sự khi học ĐH?
Theo các chuyên gia, việc các nhà tuyển dụng không còn đặt tiêu chí bằng ĐH và điểm số lên hàng đầu là nhằm khuyến khích các ứng viên hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng khác.
PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, trong những năm qua, nhà lao động có thể vẫn chú ý đến bằng ĐH và điểm số khi học ĐH nhưng để đánh giá hồ sơ chỉ ở mức 1/6 trong thang 6 điểm với 1 là ít quan trọng và 6 là rất quan trọng. Trong khi đó, những năng lực mà nhà tuyển dụng quan tâm nhiều hơn ở mức 5/6 gồm khả năng giao tiếp ấn tượng bằng lời và bằng văn bản, năng lực làm việc nhóm, năng lực lên kế hoạch và tổ chức triển khai công việc, năng lực tự học…
Tất cả những kỹ năng này quan trọng hơn vì giúp cho cá nhân có thể nhanh chóng bắt kịp sự thay đổi liên tục của yêu cầu công việc.
“Tuy nhiên, phải khẳng định tấm bằng ĐH vẫn rất có giá trị với những ngành nghề đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao như ngành y, ngành luật, nhà tâm lý, một số ngành khoa học cơ bản khác… thì bằng ĐH vẫn là một công cụ quan trọng để đo lường năng lực và kiến thức cơ bản của một người nếu tuyển dụng họ vào lĩnh vực chuyên biệt” - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
JobsGO, một nền tảng tuyển dụng và tìm kiếm việc làm trên di động hàng đầu tại Việt Nam chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp tuyển 10 người có bằng ĐH, nhưng chỉ có 5 - 6 người thực sự có thể làm được việc. Điều này cho thấy, giá trị thực sự của việc học ĐH không hề nằm ở bằng cấp.
Trong xã hội hiện nay, cần những ứng viên thực sự có năng lực, có thể làm việc hơn là những người chỉ giỏi lý thuyết suông. Chính vì vậy, ngay khi còn là sinh viên, ngoài việc chăm chỉ học tập để bỏ túi kiến thức chuyên môn, các bạn cũng nên rèn luyện để trang bị cho bản thân kỹ năng cứng, kỹ năng mềm. Hãy để bản thân trở thành người “đa di năng” thì cơ hội việc làm cực kỳ rộng mở, sẽ có rất nhiều công ty mở rộng cánh cửa đón bạn trở thành nhân viên của họ.
Theo Phạm Hiền/ GD&TĐ