Thống kê tại hơn 120 trường đại học của Việt Nam ở năm học 2023-2024, chỉ có hơn 5.000 sinh viên quốc tế theo học dài hạn, tức mỗi trường chỉ có khoảng 40 sinh viên.
Sáng 5-12, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học bàn về việc thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và làm việc tại TP.HCM.
Không nhiều sinh viên quốc tế theo học dài hạn tại Việt Nam
Báo cáo của PGS.TS Lại Phúc Đạt, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết ở một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Singapore… có số sinh viên quốc tế theo học chiếm tỉ lệ khá cao.
Đơn cử tại Malaysia, năm 2023, sinh viên quốc tế chiếm 18% tổng số sinh viên theo học tại các trường ĐH trong nước. Việc thu hút này đến từ nhiều yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện về môi trường, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, chương trình học đa dạng và phong phú…
Theo PGS.TS Lại Phúc Đạt, dù Việt Nam đã sớm có các chính sách, triển khai các chương trình thu hút sinh viên nước ngoài từ nhiều năm nay, nhất là tại TP.HCM, nhưng số sinh viên quốc tế theo học tại Việt Nam quá thấp.
Như ở năm học 2023-2024, tổng sinh viên quốc tế chỉ khoảng 22.000, ở năm 2020 cũng chỉ hơn 18.000. Số liệu này thấp so với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 là khoảng 66.000 tổng số sinh viên (chiếm 3% tổng số sinh viên).
PGS.TS Lại Phúc Đạt báo cáo tại hội thảo
Nếu tính ở khoảng hơn 120 cơ sở đào tạo ĐH ở năm học 2023-202, chỉ có hơn 5.000 sinh viên theo học dài hạn, tức là mỗi trường chỉ có khoảng 40 sinh viên quốc tế. Họ theo học các lĩnh vực tiếng Việt, văn hóa, chính trị…
Riêng tại Trường ĐH Bách khoa, số liệu này cao hơn, như năm 2020, có hơn 60 sinh viên quốc tế theo học, năm 2023 đã tăng lên 160 sinh viên.
Có một sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng sinh viên Việt Nam đi học nước ngoài và số lượng sinh viên nước ngoài theo học tại Việt Nam.
Cụ thể, theo bà Hoàng Vân Anh, Trưởng phòng giáo dục của Hội đồng Anh, cho hay Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trong việc gửi sinh viên đi học ở nước ngoài, với 129.000 sinh viên (năm 2021), sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi Mỹ, Anh, Úc, Canada… là các quốc gia thu hút đông đảo sinh viên quốc tế đến học tập.
Biểu đồ thể hiện các quốc gia có số sinh viên đi du học (màu đỏ) và có sinh viên quốc tế đến học (màu cam) nhiều nhất
Qua thống kê tại 123 trường đại học tại Việt Nam, số lượng sinh viên quốc tế đang theo học dài hạn và ngắn hạn rất thấp.
Năm học 2022-2023, chỉ có 4.580 sinh viên học dài hạn và hơn 3.200 sinh viên ngắn hạn. Năm học 2023-2024, chỉ có 5.300 sinh viên học dài hạn và hơn 4.000 sinh viên học ngắn hạn.
Trong đó, sinh viên quốc tế dài hạn chủ yếu đến từ các nước bên trong khu vực như Lào, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia và Trung Quốc. Còn số sinh viên ngắn hạn cũng chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á là Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Philippines và Pháp.
Số sinh viên quốc tế theo học tại 123 trường đại học tại Việt Nam
Các chiến lược được những trường ĐH sử dụng để thu hút sinh viên quốc tế là thông qua các chương trình dạy bằng tiếng Anh, chương trình hợp tác, cấp học bổng cho sinh viên quốc tế…
Chiến lược thu hút sinh viên quốc tế
Theo bà Vân Anh, Việt Nam cần giải quyết vấn đề dai dẳng về mất cân bằng trong khả năng di chuyển của sinh viên bằng cách giữ chân sinh viên Việt Nam ở trong nước và thu hút sinh viên quốc tế.
Trong đó, bà Vân Anh cho rằng cần tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên quốc tế; hỗ trợ và tạo điều kiện thành lập các trung tâm sinh viên quốc tế thông qua các chính sách có mục tiêu về thu hút sinh viên quốc tế; tăng cường các chương trình đầu vào, tăng số lượng chi nhánh quốc tế cơ sở, tạo đầu tư giáo dục thuận lợi.
Trao đổi tại đây, nhiều chuyên gia cũng đã thẳng thắn nêu lên các giải pháp để thu hút sinh viên quốc tế. Trong đó, có những ý kiến cho rằng cần đầu tư và có chiến lược nâng chất lượng đào tạo nội tại ở từng cơ sở đào tạo.
Cụ thể, các trường cần tăng cường kiểm định quốc tế, phát triển các chương trình tiếng Anh, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chuyên gia, xây dựng hệ sinh thái tiếng Anh trong trường. Đồng thời, các trường cần thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp,...
Cùng với đó, TP.HCM cũng cần phát triển những chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH tại TP.HCM về tài chính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công; tạo cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp, các chương trình học bổng; nâng cao chất lượng dịch vụ cho người nước ngoài…
Theo Phạm Anh/ Pháp luật TP.HCM