Bạn biết gì về food stylist – người thổi “hồn” vào món ăn?

Bạn có muốn trở thành food stylist - người đứng đằng sau việc làm cho món ăn trông thật ngon mắt trong các quảng cáo, sách dạy nấu ăn, thực đơn, quảng cáo và phim ảnh?

Ảnh: Nguồn Internet

Sự phát triển của các trang mạng xã hội, sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông đại chúng khiến cho nhu cầu ăn uống của con người không chỉ dừng lại ở mức độ thưởng thức mà còn phải đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe về mặt thẩm mỹ. Vì lẽ đó, các công ty thực phẩm buộc lòng phải chú trọng nhiều hơn đến khâu hình ảnh để mang lại sức sống và sức hút đặc biệt cho những món ăn, qua đó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, kích thích vị giác của họ, thúc đẩy ý nghĩ muốn ăn thử trong họ, nhờ đó gia tăng doanh số tiêu thụ. Đó chính là lý do nghề food stylist ra đời.

Hãy cùng nghe chia sẻ của chị Thanh Hà – một food stylist có nhiều năm kinh nghiệm để có cái nhìn chính xác hơn về công việc này nhé.

Cuộc gặp gỡ tình cờ

“Khi còn là một đầu bếp thì mình cũng chưa biết food stylist là gì đâu, cho đến khi được tham gia một chương trình truyền hình về ẩm thực. Xem các bạn tất bật chuẩn bị bày trí cho các món ăn, đồ uống với đủ loại dụng cụ không liên quan gì đến ăn uống rồi nhìn vào thành quả là những tấm hình, thước phim đẹp mê ly mà mình cứ như bị thôi miên.

Hỏi ra thì mới biết đó cũng là một công việc hẳn hoi có tên là food styling – trang trí món ăn. Đây cũng là nấu ăn nướng nhưng theo một cách rất khác. Thấy hay hay thế là mình quyết định thử. Bước chân vào rồi mới biết nghề trang trí đồ ăn cũng lắm công phu” chị Hà kể về lần đầu được tiếp xúc với nghề.

Food stylist - những nghệ sĩ với sự tinh tế trong ẩm thực

“Đối với food stylist thì hình thức của thức ăn quan trọng hơn mùi vị. Mình có nhiệm vụ trang trí, bày biện, tạo ra phong cách cuốn hút cho từng món ăn để gây ấn tượng với thực khách thông qua hình ảnh trên thực đơn của các nhà hàng, trong sách hướng dẫn nấu nướng, các tạp chí, các hình ảnh trên mạng xã hội hay các chương trình quảng cáo…

Để có được các hình ảnh khiến người xem thèm thuồng và muốn thưởng thức ngay lập tức, trước tiên mình phải có hiểu biết về ẩm thực, nguyên liệu nào nên kết hợp với nguyên liệu nào, nên nấu ở mức độ nào để có được màu sắc và hình dáng đẹp nhất, chưa kể đến việc luôn phải tìm tòi những nguyên liệu mới để tạo ra những sự kết hợp sáng tạo thú vị.

Làm trang trí thì chắc chắn cần có con mắt nghệ thuật rồi.

“Thông thường thì các food stylist sẽ làm việc cùng các nhiếp ảnh gia, biên tập viên, đầu bếp nhưng đôi khi mình sẽ kiêm luôn các vị trí đó.”

Vì thế, mình cần hiểu được cách bố cục, ánh sáng, bối cảnh, vật trang trí, góc máy… để cho ra những bức ảnh có hồn nhất. 

Nói đến các tác phẩm chất nhất thì không thể bỏ qua các thủ thuật. Để nhiếp ảnh gia bấm máy liên tục trong 4 tiếng mà tô mì gói vẫn không bị nở phình ra, food stylist phải chuẩn bị cỡ… 30 tô mì. Đó chỉ là một “lát cắt” nhỏ xíu trong nghề “nấu không phải để ăn” này. Ngoài ra, món kem mà bạn thấy trên hình ảnh quảng cáo không phải được chụp với kem thật mà là khoai tây nghiền trộn với phẩm màu hay món gà nướng vàng ươm khiến bạn vừa nhìn đã nuốt nước bọt thì chưa hề được nấu chín và còn được tút tát thêm bởi một lớp xi đánh giày,... Bởi vậy nói trang trí ẩm thực vừa là nghệ thuật vừa là khoa học là như thế”, chị Hà giải thích.

Làm việc từ 6 giờ sáng hôm nay đến 1 giờ sáng hôm sau như cơm bữa

Được hỏi về ngày làm việc điển hình, chị Thanh Hà chia sẻ: “Nói đến ngày cho ra sản phẩm thì đúng hơn vì trước khi chụp hoặc quay chụp mình đã phải chuẩn bị từ vài ngày trước, từ việc lên ý tưởng đến chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ. Đến ngày chỉ việc bắt tay vào nấu nướng, trang trí và cho lên hình. Nói thì nhanh vậy chứ vào làm mới thấy mất thời gian cỡ nào. Để có một clip quảng cáo 30 giây trên tivi, mình có thể mất 24 tiếng làm việc liên tục, không màng đến ăn uống còn chuyện làm từ 6 giờ sáng hôm nay đến 1 giờ sáng hôm sau thì như cơm bữa.

Bạn có thể thắc mắc đã có ý tưởng rồi thì chỉ việc làm theo đó, tại sao mất thời gian nhiều thế? Bởi vì ý tưởng là một chuyện, đưa vào thực tế là chuyện khác. Nhiều khi ý tưởng là xắt khoai tây hình hạt lựu nhưng thực tế cắt lát mỏng lại trông đẹp hơn, rồi nhiều nguyên liệu như thế cộng lại. Đó là chưa kể đến việc thiếu hoặc sai nguyên liệu, nảy ra ý tưởng mới hoặc các sự cố bất ngờ. Thiếu một cái máy xay sinh tố, cái dao gọt vỏ, thậm chí một cái xiên que cũng khiến công việc ngưng trệ”.

Con đường để trở thành food stylist chuyên nghiệp có thể bắt đầu từ đâu?

“Nếu bạn muốn trở thành người đứng đằng sau việc làm cho món ăn trông thật ngon mắt trong các quảng cáo, sách dạy nấu ăn, thực đơn, quảng cáo và phim ảnh thì có một cách để bạn khởi nghiệp food stylist hiệu quả, đó là tìm cơ hội trở thành trợ lý của một food stylist để trải nghiệm thực tế và học hỏi kinh nghiệm. Nhưng trên hết là bạn niềm đam mê đối với ẩm thực. Đa số các food stylist đều am hiểu sâu rộng về nghệ thuật nấu ăn, từ bánh ngọt đến thịt kho tàu.

Trên đời này chẳng có con đường nào rải đầy hoa hồng và hành trình trở thành một food stylist chuyên nghiệp cũng thế. Danh hiệu food stylist nghe có vẻ “sang chảnh” nhưng đây là công việc rất vất vả, bạn phải làm việc trong nhiều giờ và có một lượng lớn nguyên liệu cần phải được theo dõi bảo quản và tìm kiếm. Nhưng không màng những điều đó, tôi thực sự yêu công việc của mình và không nghĩ sẽ đánh đổi nó để lấy một vị trí an nhàn hơn”, chị Thanh Hà khẳng định chắc nịch.

Theo Trang Đoàn/ Careerlink

Tin cùng chuyên mục

Game đang trở thành một trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào nền kinh tế số. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ, ngành game Việt đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản.
Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…
Quan hệ công chúng (viết tắt là PR) là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông.
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!
Điện thoại, máy tính, ti vi hay xe máy, ô tô, máy bay,… đều không thể vận hành nếu thiếu một thành phần cốt lõi, chip bán dẫn. Trong đó, các mạch tích hợp chứa hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử trên một chíp bán dẫn, giúp tạo ra các bộ vi xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ dung lượng lớn và các ứng dụng di động ngày càng nhỏ gọn. Quá trình tạo ra các mạch tích hợp ấy chính là nhiệm vụ của ngành thiết kế vi mạch.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề