Cấu trúc bài thi có nhiều điểm mới
Đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Điểm thi được quy đổi theo từng phần và tổng điểm tối đa toàn bài thi là 1.200.
Cấu trúc bài thi từ năm 2025 cũng gồm 3 phần. Phần 1 sử dụng ngôn ngữ gồm 30 câu tiếng Việt và 30 câu tiếng Anh; Phần 2 gồm 30 câu toán học. Riêng phần 3 tư duy khoa học, có 12 câu hỏi về logic phân tích số liệu và 18 câu suy luận khoa học.
So với cấu trúc bài thi cũ, cấu trúc bài thi mới nhiều điểm khác biệt mà trước hết là sự điều chỉnh số lượng câu hỏi các phần thi. Cụ thể, phần 1 ngôn ngữ có tăng thêm 20 câu hỏi so với trước đó (bài thi cũ phần 1 chỉ gồm 40 câu hỏi). Số lượng câu hỏi trong phần 2 giữ nguyên nhưng giảm bớt 20 câu của phần 3 (bài thi cũ phần 3 gồm 50 câu hỏi).
Không chỉ số lượng câu hỏi, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực từ năm 2025 được ĐH Quốc gia TP.HCM điều chỉnh mạnh về nội dung phần 3. Trước đây, phần 3 giải quyết vấn đề có 50 câu hỏi liên quan đến 5 lĩnh vực kiến thức gồm: hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử. Nay, phần thi này được cấu trúc lại thành phần thi tư duy khoa học chỉ gồm 30 câu hỏi.
Theo thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM, các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh (TS) thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật. Phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của TS về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi. Điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: tiếng Việt là 300 điểm, tiếng Anh 300 điểm; toán học 300 điểm và tư duy khoa học 300 điểm.
Thí sinh không được phép lựa chọn lĩnh vực kiến thức
Điều chỉnh quan trọng trong cấu trúc bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM từ năm 2025 nằm ở phần thi thứ 3. Đáng chú ý, TS tham gia kỳ thi này năm 2025 không được lựa chọn lĩnh vực kiến thức ở phần 3 như dự kiến định hướng được công bố trước đây.
Trước đó, tháng 11.2023, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố định hướng cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Sự điều chỉnh của cấu trúc đề thi nằm ở phần 3 khi cho phép TS lựa chọn ngẫu nhiên 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực kiến thức gồm: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Theo định hướng này, bài thi có sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật, TS được lựa chọn môn thi thay vì bắt buộc trả lời tất cả các câu hỏi trong phần 3 như bài thi cũ.
Nhưng với cấu trúc bài thi chính thức vừa ban hành, TS không được phép lựa chọn lĩnh vực kiến thức trong phần thi thứ 3 mà phải trả lời câu hỏi toàn bài thi, kể cả câu hỏi liên quan đến các môn học sinh không học ở bậc THPT. Điều này khiến không chỉ học sinh tỏ ra băn khoăn.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024. Ảnh: Nhật Thịnh
ĐH Quốc Gia TP. HCM lý giải sự điều chỉnh
Lý giải sự điều chỉnh này, phía ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng từ năm 2025, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, việc tăng số lượng câu hỏi của 2 phần sử dụng ngôn ngữ và toán học để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Đồng thời, đề thi này nhằm mục đích đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH cho tất cả TS, ngay cả khi các em chọn những môn học khác nhau ở bậc THPT. Cách tiếp cận đề thi này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
Chia sẻ thêm thông tin, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng phần 3 trong bài thi trước đây đòi hỏi TS giải quyết các vấn đề chuyên sâu thuộc 5 môn học cụ thể và người học phải học môn đó mới làm được. Nay, cũng hướng tiếp cận giải quyết vấn đề nhưng TS không nhất thiết phải chọn học môn đó trong chương trình Giáo dục phổ thông 2028 vẫn có thể thực hiện khi có năng lực suy luận, logic tốt. Tiến sĩ Chính khẳng định: "Các câu hỏi trong phần 3 được cung cấp đầy đủ thông tin, dữ kiện ở dạng tổng quát về các vấn đề khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội mà bất cứ học sinh nào cũng đều có khả năng vận dụng năng lực của mình để giải quyết. Mục tiêu của sự điều chỉnh này hướng đến việc học sinh dù chọn bất cứ tổ hợp nào cũng có thể thực hiện được".
Về sự chuyển hướng này, tiến sĩ Chính nói thêm: "Trước đây, ĐH Quốc gia TP.HCM nghĩ đến phương án cho phép TS lựa chọn 3 trong số 6 môn bất kỳ của phần 3 khi điều chỉnh cấu trúc bài thi từ năm 2025 cho phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông mới. Nhưng trước thực tế sự đa dạng của học sinh trong lựa chọn môn học thì thấy rằng rất khó để đáp ứng được sự công bằng cho TS nếu thực hiện theo định hướng đó. Vì nhìn thấy trước nguy cơ sự rủi ro đó, chúng tôi quyết định điều chỉnh theo hướng công bằng nhất cho tất cả TS".
Theo Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, phần 3 của bài thi sẽ không còn câu hỏi theo các môn học cụ thể mà là các vấn đề chung về khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. Trong số 120 câu hỏi toàn bài thi, 102 câu hỏi được ra theo hướng ổn định như bài thi cũ. Chỉ 18 câu hỏi được điều chỉnh từ hướng chuyên sâu sang không chuyên sâu. "Cấu trúc bài thi mới giữ được sự ổn định ở mức 85% so với bài thi cũ nên học sinh không cần lo lắng. Chỉ cần học tốt chương trình Giáo dục phổ thông, TS có thể đáp ứng được bài thi. Tuy nhiên, TS có khả năng suy luận, khả năng tổng hợp, khả năng đọc tốt hơn sẽ có lợi thế hơn khi thực hiện bài thi", tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính chia sẻ thêm.
Ý kiến về cấu trúc đề thi mới
Theo thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến ở TP.HCM, trọng tâm của đề xoay quanh 3 môn toán, tiếng Anh, tiếng Việt, còn 6 môn khác không đóng góp vai trò quá quan trọng. Đặc biệt, TS giỏi tiếng Anh sẽ có lợi thế rất nhiều vì phần toán, tiếng Việt đều có xu hướng khó hơn, trong khi đề tiếng Anh giữ nguyên cấu trúc.
Thầy Lê Minh Xuân Nhị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP, nhận xét cấu trúc thi đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia TP.HCM có trọng số các phần không cân đối, khi 6 nhóm lĩnh vực kiến thức chỉ chiếm tổng cộng 18 câu hỏi, tức 3 câu/môn. Điều này đặt ra 2 vấn đề, là đề có đang đi ngược lại định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và có phù hợp để tuyển sinh hay không?
Theo thầy Nhị, chương trình mới cho phép TS chọn học tổ hợp, do đó sẽ có bạn chưa từng học hóa học, vật lý, sinh học trong cả 3 năm THPT. Vì thế, TS hoàn toàn không thể làm hết đề nếu chỉ học trên lớp. "Một học sinh giỏi tiếng Anh và không biết gì về hóa, sinh vẫn có thể đạt điểm cao hơn một bạn chỉ khá tiếng Anh nhưng giỏi hóa, sinh, bởi trọng số cho 6 môn còn lại quá ít", thầy Nhị nhận định.
Ngọc Long