Ba trường đại học sư phạm lớn bỏ xét tuyển học bạ

Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) bỏ xét tuyển học bạ từ năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM vừa cho biết, trước đây nhà trường xét tuyển học bạ độc lập (khoảng 10%) chỉ tiêu hoặc kết hợp điểm học bạ với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt  (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm nay trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức này. Lý do là theo chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển này không còn phù hợp.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025. Bên cạnh đó trường sẽ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Ở các năm trước, điểm chuẩn học bạ của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cao ngất ngưởng dẫn tới hàng chục nghìn học sinh giỏi vẫn trượt.

Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo cho hay, điểm chuẩn học bạ các ngành cao là do chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này của trường ít. Nhà trường chỉ tuyển tối đa 10% chỉ tiêu, do vậy nhiều ngành chỉ tuyển 2 thí sinh dẫn tới điểm chuẩn rất cao. Mặt khác, lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ mỗi năm một nhiều.

Ba trường đại học sư phạm lớn bỏ xét tuyển học bạ

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 1 trong 3 trường ĐH sư phạm lớn bỏ xét học bạ năm 2025

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng bỏ phương thức tuyển sinh bằng học bạ THPT từ năm nay. Trường này thực hiện xét tuyển theo 3 phương thức năm 2025 gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; thực hiện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội và xét tuyển dựa trên điểm thi Đánh giá năng lực SPT năm 2025 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Riêng với các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, thí sinh còn phải tham dự Kỳ thi năng khiếu năm 2025 do trường tổ chức để lấy điểm thi năng khiếu xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cũng bỏ phương thức xét học bạ. Các phương thức xét tuyển của trường này là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên (V-SAT-TNU); xét kết quả thi tốt nghiệp 2025; Xét kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao; xét học sinh dự bị đại học.

Riêng Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nhiều ngành sư phạm không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trong tuyển sinh đại học từ nhiều năm nay. Các phương thức trường này dùng để xét tuyển là kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM đối với các ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (kỳ thi V-SAT) đối với các ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; xét tuyển sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT.

Đại diện Trường ĐH Sài Gòn nhận xét rằng kết quả học tập THPT phụ thuộc vào đánh giá của từng địa phương và nhà trường, thậm chí của mỗi giáo viên nên không có sự đồng nhất. Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, nhà trường không sử dụng học bạ mà dùng kết quả các kỳ thi xét tuyển để có đánh giá công bằng.

Hiệu trưởng một đại học thẳng thắn, học bạ không phải là “kênh” chính xác để nhà trường tuyển sinh. “Một thí sinh ở miền núi được 9 điểm học bạ và em khác ở thành phố được 7 điểm, không lẽ nhà trường tuyển em có học bạ 9 điểm?” - ông nói và cho rằng mấu chốt ở đây là cách đánh giá bằng điểm số ở mỗi vùng, mỗi trường có sự khác nhau, dẫn đến không phản ánh thực chất năng lực học sinh.

Theo Lê Huyền/ Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục

Nhiều thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT cho biết đã được đăng ký thi để xét tuyển vào ĐH năm nay theo chương trình cũ, không còn bị từ chối như vài ngày trước.
Mùa tuyển sinh đại học năm nay, một số trường đại học Hà Nội chính thức bỏ phương thức xét tuyển kết hợp bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học tổ chức...
Năm 2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có những thay đổi đáng chú ý trong xét tuyển sinh ĐH như: bỏ hẳn xét tuyển khối C, thêm tổ hợp có môn tin học, chia theo nhóm ngành, cách quy đổi điểm các chứng chỉ ngoại ngữ..
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra với 4 môn với 2 hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn còn lại nằm trong các môn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đây là một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay và thí sinh cần đặc biệt lưu ý về 2 môn tự chọn này.
Tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2025.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT trong ngày đầu tiên đăng ký dự thi, tính đến 17 giờ ngày 21.4, tổng số thí sinh đăng ký dự thi chính thức là 285.631 người, trong đó thí sinh tự do chiếm tỷ lệ 2,9%.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề